Quá trình điều trị bệnh ở Canada có khác biệt gì với Việt Nam?
Quá trình điều trị bệnh ở Canada không khác với VN và thế giới. Y học Canada được đánh giá cao, chắc chắn về ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong điều trị bệnh ko thấp hơn các nước đang phát triển. Tuy nhiên do thiếu bác sỹ nên dịch vụ cho những bệnh thông thường – không phải cấp cứu đe dọa tính mạng – không nhanh và tiện như ở VN. Tuy nhiên những bệnh cần phẫu thuật hay đẻ… trong bệnh viện thì dịch vụ, chăm sóc rất tốt và miễn phí. – theo chia sẻ của 1 số anh chị em đã được phẫu thuật và đẻ con tại PEI. Với những bệnh cấp cứu như tim mạch, đột quỵ …thì chắc chắn sẽ được cấp cứu rất nhanh vì đây là quy định của ngành Y. Theo người dân ở đảo chia sẻ thì luôn có máy bay trực thăng để sẵn sàng chuyển bệnh nhân đi Halifax nếu cần can thiệp chuyên môn cao hơn.
- Chờ bác sỹ gia đình ở Đảo khá lâu. Bệnh thông thường thì đến walk-in clinic, vào bênh viện sẽ chờ đợi lâu.
- Người có bệnh mãn tính: tiểu đường, huyết áp, tim mạch, thần kinh nên khám bệnh định kỳ walk in clinic để được theo dõi và có khả năng có Bs gia đình sớm hơn.
- Thuốc dược quản lý nghiêm ngặt hơn ở VN, chỉ có thuốc OTC (Over-The-Counter – thuốc không cần kê đơn của bác sỹ) mới tự mua được ở quầy thuốc.
- Phụ nữ được khám phụ khoa và làm PAP, trên 45 tuổi thì chụp nhũ ảnh hai năm 1 lần. Có thể đăng ký tại phòng khám chuyên khoa hoặc chụp nhũ ảnh ở bệnh viện.
- Nam giới và phụ nữ 50 tuổi trở lên được xét nghiệm phân để sàng lọc ung thư trực tràng – miễn phí hai năm một lần.
- Có thể mua thêm bảo hiểm y tế cho gia đình (vd: Blue Cross…) để được chi trả các chi phí điều trị răng và làm mắt kính.
Tham khảo thêm thông tin walk-in clinic ở: https://www.princeedwardisland.ca/en/information/health-pei/walk-in-clinics
Các triệu chứng bệnh thông thường nào có thể tự mua thuốc ở quầy?
Sốt, ho sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức thông thường. Nên tư vấn dược sỹ tại quầy để mua các loại thuốc không cần bác sỹ kê toa.
Khi bị ngứa hay dị ứng có thể mua Claritin 10mg cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi hoặc sirup Desloratadine cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Mua một số dạng để xịt mũi, rửa mũi và giữ ẩm mũi giống như Sterimar ở Việt nam( rất nhiều loại có bán ở Walmart)
Khi bị trào ngược dạ dày ( với 1 số triệu chứng có thể gặp như ợ chua, ợ nóng sau khi ăn, đau vướng họng, ho , khàn tiếng …kéo dài) có thể mua Nexium 20gr hoặc 40gr uống theo chỉ dẫn liều lượng trên bao bì thuốc.
Khi nào cần đi khám bác sỹ? Cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Khi triệu chứng không giảm và ngày càng trầm trọng, đặc biệt là trẻ em sốt không hạ, ho kéo dài, khó thở…
Chuẩn bị: Health Card và đăng ký thuốc Generic để giảm chi phí mua thuốc (xem thêm thông tin trên website của chính phủ).
Bị bệnh như thế nào thì cần phải đi thẳng đến bệnh viện để cấp cứu?
Khi bị bất cứ triệu chứng nghiêm trọng ví dụ như bị đau bụng dữ dội vì nhiều nguyên nhân như đau ruột thừa, đau dạ dày, đau quặn thắt hoặc khi bị khó thở, ngất xỉu, chảy máu do tai nạn… cấp cứu thì đi thẳng tới khoa cấp cứu của bệnh viện Queen Elizabeth Hospital ở Charlottetown hay Prince County Hospital nếu ở Summerside.
Cần phải chuẩn bị những tài liệu, hồ sơ gì khi đến bệnh viện ở PEI?
Health card. Nếu có bệnh trước đây hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh mãn tính thì nên mang thuốc hoặc toa thuốc của bác sĩ theo.
Khi cần gọi xe cấp cứu, gọi số nào và được trợ giúp gì?
– Cần tư vấn khi bị bệnh: 811
– Cấp Cứu: 911
Tham khảo thêm thông tin về Telehealth 811 ở:
https://www.princeedwardisland.ca/en/information/health-and-wellness/811-telehealth.
Các lưu ý khác về chăm sóc sức khoẻ:
Hầu hết người dân ở PEI không có bác sỹ gia đình vì danh sách chờ bác sỹ rất đông và chờ nhiều tháng cũng không có bác sỹ gia đình. Tuy nhiên không cần lo lắng vì nếu có bất cứ bệnh gì nghiêm trọng thì có thể đi thẳng đến khoa cấp cứu của bệnh viện. Tuy nhiên vào cấp cứu cũng có thể phải chờ đợi lâu (có thể hơn 12 tiếng đồng hồ tùy theo bệnh). Nếu có bệnh không nghiêm trọng thì nên vào thẳng các Walk-in Clinic có rất nhiều ở PEI để khám bệnh. Lưu ý nên vào website của phòng khám để biết giờ làm việc của phòng khám, nên tới trước 30 phút giờ mở cửa để lấy số thứ tự. Khi lấy số thứ tự xong, ngồi chờ tiếp tân gọi tên và hỏi 1 số thông tin. Luôn mang thẻ Health Card khi đi khám bệnh. Nếu không rành tiếng Anh thì nên nhờ người biết tiếng Anh đi theo kèm để thông dịch, Bác sĩ và y tá ở đây rất nhiệt tình, tận tâm. Các bạn nên đi chích cúm mùa hàng năm gọi là Flu Shot miễn phí tại các nhà thuốc trong siêu thị như Shopper Drug Mart, Sobeys, Walmart (hàng năm khoảng tháng 10 đến tháng 12, miễn phí cho cả trẻ em và người lớn, nhớ mang thẻ Health Card khi đi chích). Nếu các cháu nhỏ chích ngừa các bệnh khác chưa đầy đủ có thể đến 161 St Peters Rd, Charlottetown PE C1A 5P8 để đăng ký chích ngừa thêm (nhớ mang sổ chích ngừa ở Việt Nam để họ kiểm tra). Thông tin sức khoẻ tham khảo thêm ở: https://www.princeedwardisland.ca/en/topic/health
Ghi chép từ buổi phỏng vấn một số các BS, DS trong team chăm sóc sức khỏe ở PEI (là nhóm những anh chị em làm công tác chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam đang sống tại PEI) – tháng 7/202
Cập nhật thông tin 14/08/2020:
Có thể đặt hẹn trước (chỉ nhận hẹn trong ngày, và thường hết rất nhanh) ở các walk-in clinics theo đường link này: https://skipthewaitingroom.com. Kinh nghiệm đặt lịch khám là các anh chị nên trực đúng 7am vào website. Họ có câu hỏi triệu chứng bệnh nên các anh chị nên chuẩn bị đánh máy sẵn, copy và sẵn sàng paste cho nhanh. Nhớ cả thẻ tín dụng và thẻ bảo hiểm y tế để sẵn bên cạnh nữa để điền cho nhanh.
Việc khám sức khoẻ định kỳ thì sẽ yêu cầu bác sỹ cho thử máu, xét nghiệm chức năng các cơ quan như gan, thận và chụp X-Quang. Bác sỹ sẽ cho hẹn đến bệnh viện Queen Elizabeth để thực hiện, một số thủ thuật như siêu âm, nội soi sẽ phải chờ lâu. Bệnh viện thường ưu tiên cho người bị bệnh cấp tính nên xét nghiệm máu nếu không cấp thiết sẽ thường phải chờ 7 ngày, siêu âm X-quang thì phải chờ cả tháng.