Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm thêm cho sinh viên ở PEI – CANADA

0
1647

By Tony (Tuấn) Vũ 

1. Khi nào thì nên bắt đầu xin đi làm thêm?

Đối với các bạn du học sinh, có 3 việc rất quan trọng mà các bạn phải lưu ý trước khi bắt đầu hành trình kiếm việc tại Canada:

– Nắm vững các quy định về việc đi làm thêm dành cho du học sinh tại tỉnh bang bạn đang sinh sống. Bạn có 2 nguồn để tham khảo thông tin là CIC website hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế nơi trường bạn đang học. Trong mọi tình huống không được làm sai quy định, tránh những vấn đề rắc rối phát sinh không cần thiết. Thông thường, trong thời gian khóa học full-time đang diễn ra, bạn có thể làm các việc part-time (bị giới hạn thời gian), còn trong thời gian nghỉ hè, bạn có thể làm các việc full-time. Số giờ và quy định cụ thể tham khảo từ các nguồn trên.

– Hiểu về hoàn cảnh của bản thân. Khi đang cầm trong tay study permit visa, điều đó có nghĩa là bạn phải ưu tiên việc học hơn trong thời điểm đó. Chẳng hạn trong thời gian diễn ra khóa học full-time, nếu cảm thấy không cần thiết kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống thì nên tập trung cho việc học, để duy trì thành tích học tập tốt, và giữ ấn tượng tốt với các giáo viên trong trường. Họ chính là những người để reference rất cần thiết cho bạn sau này. Tranh thủ trong thời gian học, nếu thấy kỹ năng nào mình còn yếu làm giảm khả năng xin được việc tốt sau này thì nên trau dồi thêm. Tại PEI, bạn có thể liên hệ PEIANC để được bộ phận Employment support hỗ trợ miễn phí, hoặc có thể tham khảo các thông tin hữu ích trên website của WorkPEI hoặc Employment Journey.

– Hiểu rõ về mục tiêu của bản thân. Bạn là người hiểu rõ mình hơn ai hết, bạn phải xác định được mục tiêu của mình sau khi ra trường, từ đó bạn có thể build CV của mình ngay từ các việc làm thêm lúc còn đi học. Chẳng hạn, bạn muốn làm việc trong ngành nhà hàng khách sạn sau khi trường? Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm bằng các việc part-time tại các nhà hàng quán ăn trong khu vực. Hoặc nếu bạn muốn làm việc liên quan đến Marketing sau này? Bạn có thể tích lũy kinh nghiệm tại các công ty tổ chức sự kiện, các tổ chức phi lợi nhuận của chính phủ, hoặc tham gia các sự kiện dành cho sinh viên cần volunteer trong trường.

Lúc nào cũng phải nhớ, đi làm thêm ngoài việc kiếm thêm thu nhập, chi trả chi phí học tập và cuộc sống, còn là cơ hội để xây dựng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm, tạo nên một bản CV ấn tượng với nhà tuyển dụng tương lai.

2. Có nên tìm việc trái với ngành mà mình học không?

Nên hay không, còn tùy thuộc vào 2 yếu tố:

-Bạn có muốn làm việc cùng ngành đang học sau khi tốt nghiệp không?

-Ngành bạn học có nhiều cơ hội dành cho sinh viên làm thêm nơi bạn đang sinh sống không?

Nếu câu trả lời là có cho 2 câu hỏi trên, thì tất nhiên bạn không nên làm việc trái ngành. Làm việc sẽ giúp bạn tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích.

Nếu giai đoạn hiện tại, bạn đang ưu tiên trước tiên về vấn đề tài chính nhưng lại không kiếm được việc làm ưng ý hoặc cùng ngành học? Không sao cả, hãy làm một công việc nào đó miễn hợp pháp, để có tiền trang trải cuộc sống, chúng ta luôn cần phải lấy ngắn nuôi dài, có thực mới vực được đạo. Nhưng các bạn phải nhớ rằng không được đi chệch quỹ đạo mà mình đã xác định từ đầu, phải luôn biết mình đang cần đi làm vì tích lũy tài chính, hay đi làm để tích lũy kinh nghiệm cần thiết cho công việc sau này. Nếu bạn mong muốn khi ra trường sẽ làm việc trong ngành lập trình máy tính, thì công việc part-time tại nhà hàng hay siêu thị sẽ không giúp bạn được nhiều trong việc gây ấn tượng với nhà tuyển dụng tương lai.

3. Cần lưu ý gì trong resume để được chọn vào vòng phỏng vấn với doanh nghiệp?

Có một điều chắc chắn là bạn không thể dùng CV tại Việt Nam để nộp cho các công việc mơ ước tại đây. Một số điểm lưu ý chỉnh sửa resume của du học sinh trước khi gửi đến các nhà tuyển dụng tại đây như không để hình, không nêu giới tính, không nên dài hơn 2 trang giấy, ngắn gọn đơn giản đúng trọng tâm, nêu bật phần mục tiêu kiếm việc trước tiên (lĩnh vực gì, full-time hay part-time), sau đó mới đến các phần về học vấn và kinh nghiệm làm việc hiện tại ở Canada (part-time vẫn ok), kỹ năng và năng lực hiện có (soft skills, ngoại ngữ 2 hay khả năng thiết kế), sau đó mới đến kinh nghiệm làm việc trước đây.

Kinh nghiệm trước đây của Tony là in resume đã được chỉnh sửa hoàn tất ra 3 bản, gửi đến 3 người bản xứ tại đây để xin lời khuyên của họ, trước khi hoàn tất chỉnh sửa và apply for jobs:

– PEIANC, nhân viên phụ trách employment cho newcomers

– Người phụ trách hướng dẫn Internship tại trường đang học

– Giáo viên hướng dẫn môn Quản trị nguồn nhân lực tại trường đang học 

4. Nộp đơn xin việc nhiều nơi quá mà chưa được liên hệ lại, có nên chán nản và ngưng xin việc không?

Trước khi nộp đơn, các bạn cần biết về nhu cầu tuyển dụng của ngành nghề đó tại địa phương, cũng như sự canh tranh đến từ các ứng viên khác để chuẩn bị sẵn tâm lý. Vì chúng ta đến từ một đất nước khác, sống và học tập tại vùng đất mới, nên hiển nhiên khi xin việc sẽ gặp phải rất nhiều sự cạnh tranh, chẳng hạn từ người dân bản xứ, từ các bạn du học sinh khác, nên bạn cần phải cố gắng gấp đôi nếu xin việc tại đây. Khi kinh tế suy thoái, hoặc dịch bệnh ập đến, nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là các ngành nghề có liên quan. Việc nộp đơn nhiều nơi nhưng không được liên hệ lại là rất bình thường, bạn không cần bận tâm đến điều đó.

Ví dụ, Tony muốn kiếm việc full-time liên quan đến ngành Marketing, và nhu cầu tuyển dụng ngành này tại PEI rất ít, nhưng phải luôn tập trung vào mục tiêu kiếm việc của mình:

– Có một bản Resume hoàn chỉnh, cùng với 2-3 reference tốt từ giáo viên trong trường

– Lên WorkPEI search ngành nghề mong muốn và nộp những việc phù hợp, nên có cover letter phù hợp cho từng công việc

– Giữ tâm lý thoải mái, tiếp tục việc trau dồi khả năng

– Biết từ chối những công việc mình không mong muốn 

– Nếu được, có thể in resume ra và nộp trực tiếp tại công ty, song song với việc apply trên mạng. Đó cũng là 1 cách để tạo khác biệt với các ứng viên khác.

Trong mọi hoàn cảnh, không chán nản và ngưng việc đang làm, điều tốt đẹp đang đợi chúng ta ở phía trước.

5. Cần chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn 

Trước buổi phỏng vấn bạn nên dành thời gian đọc thêm về công ty, công việc đó để nắm các thông tin liên quan. Nhớ những thông tin cần thiết và chuẩn bị sẵn trong đầu các câu hỏi có liên quan từ nhà tuyển dụng. Chuẩn bị 1 phần “Introduce yourself” ngắn gọn ấn tượng, và tự đánh giá xem mình có thể phù hợp với vị trí đó như thế nào. Suy nghĩ về các điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, cũng như 1 tình huống khó khăn thử thách nhất mà bạn từng gặp phải trước đây và cách bạn xử lý.

Trong buổi phỏng vấn, bạn nên:

– Trang phục lịch sự phù hợp vị trí

– In và mang theo 1 bản resume

– Đến sớm 15 phút so với lịch hẹn phỏng vấn

– Chủ động chào và giữ mặt vui vẻ thân thiện, với tất cả mọi người trong công ty, kể cả lễ tân

– Khi trao đổi luôn nhìn người đối diện, không láo liên, không rung đùi, tự tin và giữ tác phong chuyên nghiệp

– Gặp câu hỏi khó cứ xin ít thời gian để suy nghĩ, không cần hoảng hốt, mất tự tin

– Nên nhớ không cần phải luôn thành thật với mọi câu hỏi, nhưng cũng không nên nói dối về kinh nghiệm bản thân, vì mọi thông tin bạn nói ra nhà tuyển dụng đều có cách để kiểm chứng

– Câu hỏi cuối luôn từ ứng viên đến nhà tuyển dụng, bạn có thể hỏi về vị trí công việc nếu bạn có gì chưa rõ

Sau buổi phỏng vấn, ngày hôm đó nhớ viết thư cảm ơn đến nhà tuyển dụng; sau 2 tuần nếu chưa nhận phản hồi, bạn có thể viết 1 thư Follow up.

Nên nhớ dù kết quả buổi phỏng vấn thế nào, vẫn luôn phải chuyên nghiệp và lịch sự.

PEIANC thường xuyên có các workshop miễn phí về kỹ năng phỏng vấn và văn hóa doanh nghiệp Canada. Bạn có thể liên hệ bộ phận Employment support để đăng ký.

6. Có phải cần có người quen biết giới thiệu thì mới xin việc được không?

Người giới thiệu (reference person) là bắt buộc khi nộp đơn xin việc tại Canada, thậm chí một số công việc đặc thù đến ngành tài chính hoặc bán lẻ bạn còn nhận yêu cầu làm background check từ nhà tuyển dụng. Trong thời gian đi học hãy học tập thật tốt, thể hiện sự chuyên nghiệp, đáng tin cậy, và xây dựng network tốt với các giáo viên trong trường, 90% nhà tuyển dụng sẽ liên hệ reference về kết quả cũng như thái độ học tập của bạn ở trường. Những nơi bạn đã từng làm việc part-time cũng nên giữ mối quan hệ tốt với quản lý và các nhân viên khác. Họ cũng có thể đưa reference về bạn. Đặc biệt, PEI là một đảo nhỏ, mọi người gần như đều quen biết nhau, nên phải luôn thể hiện tốt sự chuyên nghiệp với mọi người. Một ứng viên tốt, có thái độ tốt, và nhận được reference tốt từ người khác sẽ có nhiều khả năng để nhận được công việc mong muốn. 

7. Lời khuyên của anh Tony cho các bạn sinh viên mới đi xin việc lần đầu ở PEI?

Tony chỉ có 3 lời khuyên dành cho các bạn sinh viên:

– Tập trung vào mục tiêu, và không được đi chệch hướng với mục tiêu đề ra ban đầu. Cuộc sống chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn với các bạn sinh viên, nhưng nếu bạn luôn ưu tiên cố gắng vì mục tiêu thì bạn sẽ thành công. Tốt nhất vẫn là kiếm được công việc part-time hoặc full-time phù hợp với công việc bạn mong muốn sau khi ra trường.

– Tập trung vào bản thân, và không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng mới. Đất nước Canada luôn dành nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ đến các bạn sinh viên, nếu cần giúp đỡ để cải thiện vấn đề nào đó (chẳng hạn resume, kỹ năng phỏng vấn xin việc) thì sẽ có người để giúp bạn, nhưng bạn phải chủ động trong mọi hoàn cảnh.

– Tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng, và luôn giữ hình ảnh chuyên nghiệp, cần mẫn.  

ảnh minh họa- nguồn Phuc Vo

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây